BENIGN VIOLATION THEORY – THUYẾT VI PHẠM VÔ HẠI là một trong những giải thích khoa học về sự hài hước, hay vì sao một điều gì đó khiến ta mắc cười, được đề xuất và nghiên cứu bởi Caleb Warren và Peter McGraw, sau đó nghiên cứu sâu hơn tại Humour Research Lab – HuRL.
Benign violation theory – Thuyết vi phạm vô hại cụ thể giải thích vì sao những điều có vẻ tiêu cực, thậm chí xúc phạm, điển hình là cà khịa, dark humor, chơi khăm, chọc lét,… lại khiến ta mắc cười. Giả thuyết này cho rằng sự hài hước nằm đâu đó ở giữa sự nguy hiểm và an toàn:
VIOLATION – VI PHẠM (“sai sai”): bất cứ điều gì khác lạ so với thế giới mà bạn biết đến hay tin vào (sức khỏe, danh tính, chuẩn mực, giá trị đạo đức, văn hóa…) [3]
BENIGN – VÔ HẠI (“an toàn”): bất cứ điều gì đem lại cảm giác không nguy hiểm và quen thuộc [3]
-> BENIGN VIOLATION – VI PHẠM VÔ HẠI (“mắc cười”): là một điều bạn cảm thấy sai sai, nhưng nó không thực sự khiến bạn bị nguy hiểm, hay đe dọa bạn [3]
Thuyết vi phạm vô hại cho rằng một sự kiện sẽ trở nên hài hước KHI VÀ CHỈ KHI nó vừa là vi phạm, nhưng cũng vừa vô hại [3]. Khi chỉ 1 trong 2 điều kiện này không xảy ra, sự kiện sẽ không còn hài hước.
Lấy ví dụ như chọc lét [4]:
Tự chọc lét chính mình -> không có vi phạm, hoàn toàn vô hại -> không mắc cười
Một người xa lạ kỳ quặc đến chọc lét bạn -> vi phạm nguy hiểm -> không mắc cười
Bạn thân chọc lét bạn -> vi phạm vô hại -> mắc cười
(Trên thực tế, chọc lét, hay những vi phạm vô hại về thể chất khác là một điều hài hước với cả trẻ sơ sinh và các loài linh trưởng, cho thấy dấu hiệu của một phản ứng không điều kiện, và có thể là cả một tác dụng về mặt tiến hóa của chọc lét [5]).
Một ví dụ khác, té cầu thang [4]:
Xém té cầu thang; té cầu thang nhưng chỉ xây xát nhẹ -> vi phạm vô hại -> mắc cười
Té cầu thang và bị gãy chân phải nhập viện -> vi phạm nguy hiểm -> không mắc cười (trừ khi nó xảy ra với người khác bạn không quen -> vi phạm vô hại -> mắc cười)
Chơi chữ cũng là một loại vi phạm vô hại. Nếu bạn muốn hiểu thêm về chơi chữ, đọc bài viết này của ExerPsych nhé: https://www.facebook.com/105604348348406/posts/170505258524981/
Giả thuyết vi phạm vô hại cho ta một lời giải thích khá thuyết phục về việc tại sao những điều tưởng chừng như tiêu cực lại đem đến sự hài hước và giải trí. Tất nhiên, ví dụ trên không đúng cho tất cả mọi người, vì điều gì được xem là một vi phạm vô hại sẽ vô cùng khác với từng người, với từng môi trường và văn hóa khác nhau.
Nguồn: ExerPsych.