Những khoản đãi ngộ cần quan tâm bên cạnh mức lương

Chế độ đãi ngộ phù hợp với mong muốn của nhân viên sẽ giúp khích lệ tinh thần làm việc cũng như giữ được sự kết nối lâu dài. Đãi ngộ tốt không chỉ bao gồm lương thưởng mà còn có thể là là cơ sở vật chất “xịn sò”, phụ cấp hay quà tặng các dịp lễ. Nhưng đâu là những phúc lợi được xem là tốt và chúng ta nên đề nghị trong giai đoạn đàm phán lương bổng?

Đãi ngộ là gì? Chế độ đãi ngộ cho nhân viên là gì?

Đãi ngộ là việc một người được được hưởng các quyền lợi theo chế độ tương xứng với mức đóng góp của người đó. Cụ thể hơn trong môi trường làm việc, đãi ngộ được hiểu là những quyền lợi, phúc lợi mà người lao động được hưởng tương ứng với mức độ hoàn thành công việc của mình, có đóng góp cho công ty.

Chế độ đãi ngộ là những đãi ngộ trong công việc mà người lao động được hưởng theo một chế độ cụ thể có đề cập rõ ràng trong chính sách của doanh nghiệp và nằm trong quy định của Luật Lao động năm 2019 bao gồm các đãi ngộ theo luật và các đãi ngộ khác của doanh nghiệp.

Theo đó người lao động sẽ được doanh nghiệp chăm lo về đời sống vật chất và tinh thần giúp họ có thể ổn định cuộc sống cũng như yên tâm làm việc, hoàn thành công việc, các mục tiêu mà doanh nghiệp đề ra. Người lao động cũng có thể thỏa thuận những đãi ngộ mong muốn của mình với doanh nghiệp, đồng thời xem xét đãi độ hiện tại có phù hợp với mình không từ đó quyết định nhận việc, tiếp tục làm việc hay nghỉ việc. Người lao động luôn cân nhắc rất cẩn trọng chế độ đãi ngộ ở những công ty khác nhau do nó ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của họ, những công ty nếu muốn thu hút hay giữ chân nhân viên đòi hỏi phải có chế độ đãi ngộ cạnh tranh và đúng với mong muốn của người lao động.

Vai trò của chế độ đãi ngộ cho nhân viên?

Đối với người lao động

Chế độ đãi ngộ cho nhân viên cũng là một tiêu chí để chọn công việc mà người lao động ưu tiên xem xét khi chọn việc bởi nó tác động đến cuộc sống cá nhân, gia đình và những dự định tương lai của họ.

Chế độ đãi ngộ phù hợp tạo điều kiện cho người lao động nâng cao đời sống vật chất cũng như tinh thần thông qua các phúc lợi trong đó. Chế độ đãi ngộ còn đảm bảo cho người lao động đang được hưởng những phúc lợi xứng đáng với công sức đóng góp của họ.

Người lao động còn dựa vào chế độ đãi ngộ để khẳng định vị trí của mình trong doanh nghiệp do mỗi vị trí sẽ có một chế độ đãi ngộ khác nhau, vị trí càng cao, đãi ngộ càng lớn, tác động mạnh mẽ tới tinh thần làm việc chủ động, nhiệt huyết và quyết định gắn bó với doanh nghiệp của nhân viên.

Đối với doanh nghiệp

Chỉ khi người lao động cảm thấy đang được đánh giá thoả đáng, họ mới có động lực cống hiến và hoàn thành công việc tốt nhất cho doanh nghiệp. Từ đó, doanh nghiệp có thể nâng cao chất lượng cũng như tính hiệu quả của công việc, dự án, hoạt động kinh doanh. Chế độ đãi ngộ được đánh giá tốt góp phần giúp doanh nghiệp có thể duy trì sự ổn định về nguồn nhân lực hiện tại, thu hút nhân sự, giữ chân những lao động tài năng ở lại làm việc.

Ngoài ra, hiện nay một số doanh nghiệp còn dùng chế độ đãi ngộ như một công cụ góp phần xây dựng hình ảnh thương hiệu tuyển dụng trong mắt công chúng. Có thể thấy như truyền thông về môi trường làm việc thân thiện, hệ thống đào tạo phát triển con người,…tạo ra được hình ảnh công ty lý tưởng, sự ưu ái từ công chúng, bảo vệ công ty trước những khủng hoảng tiềm ẩn hay ấn tượng đối với khách hàng và thu hút nguồn nhân lực. Một chế độ đãi ngộ tốt không chỉ có lợi cho người lao động mà còn có vai trò to lớn đối với doanh nghiệp.

Đối với xã hội

Nếu như chế độ đãi ngộ có thể mang lại cho người lao động cuộc sống ổn định, sẽ giảm bớt được rất nhiều gánh nặng phúc lợi xã hội, tác động tới sự phát triển của nền kinh tế. Chế độ đãi ngộ đảm bảo đời sống tinh thần và vật chất cho người lao động giúp giảm tệ nạn xã hội, duy trì được tính ổn định của xã hội, đồng thời lao động có thể an tâm làm việc tạo ra đóng góp vào nền kinh tế quốc gia.

Các hình thức đãi ngộ nhân viên

Các hình thức đãi ngộ nhân viên phổ biến nhất tại các doanh nghiệp là đãi ngộ bằng hiện vật (hay chế độ đãi ngộ về tài chính) và chế độ đãi ngộ bằng các quyền lợi về tinh thần (hay chế độ đãi ngộ phi tài chính). Các ứng viên đừng chỉ xem xét đến tiền lương mà vội đánh giá hay bỏ qua cơ hội làm việc tốt, đôi khi các đãi ngộ phi tài chính còn hữu ích hơn cho bạn.

Các chế độ đãi ngộ cho nhân viên phổ biến

Chế độ đãi ngộ về tài chính

Chế độ đãi ngộ về tài chính sẽ bao gồm các khoản tiền lương, tiền thưởng, phụ cấp, phúc lợi,…hiện kim hay hiện vật có giá trị với đời sống vật chất của người lao động.

Tiền lương: Đây là đãi ngộ được người lao động quan tâm nhiều nhất, có thể thấy trong các buổi phỏng vấn, khi nhắc đến chế độ phúc lợi, ứng viên sẽ hỏi nhà tuyển dụng về lương trước tiên, sau đó mới đến những phúc lợi khác. Và đối với từng vị trí và công việc đặc thù sẽ có những hình thức trả lương khác nhau cho nhân viên.
Hiện nay, các công ty đang có xu hướng áp dụng Chính sách trả lương 3P nhằm tối ưu hiệu quả và đảm bảo công bằng cho người lao động. Theo đó, lương 3P bao gồm:

Lương cơ bản (P1+P2): Trả theo vị trí chuyên môn (P1) và năng lực cá nhân (P2). Đây là mức lương cố định hàng tháng mà công ty trả cho nhân viên

Lương kết quả (P3): Trả cho năng suất (P3). Đây không phải là mức lương cố định, nó thay đổi dựa trên hiệu suất và thành công của nhân viên.

Ngoài ra ứng viên còn nên chú ý đến sự khác nhau giữa lương gross và lương net và những cách tính lương khác, tuỳ thuộc công ty sử dụng cách tính nào.

Tiền thưởng: Ngoài tiền lương, trong chế độ đãi ngộ bằng tiền mặt, còn có một số khoản thưởng khi đạt các chỉ tiêu ngắn hạn, cấp thiết hay đề ra được các ý kiến đóng góp giúp tăng hiệu suất công việc,…như tiền thưởng nóng, hoặc một số doanh nghiệp còn có thể thưởng bằng sản cổ phiếu.
Phụ cấp: Phụ cấp có thể coi như một khoản bù đắp cho người lao động về các yếu tố về điều kiện lao động, sinh hoạt tại công xưởng quá khó khăn hay công việc nặng nhọc,…Hiện nay, tại các doanh nghiệp hầu như đều có các phụ cấp cơ bản như: phụ cấp ăn trưa, gửi xe, chi phí liên lạc, gọi điện(cho nhân viên bán hàng),…Ngoài ra, trong một số doanh nghiệp kinh doanh các lĩnh vực đặc thù như luyện kim, hoá chất,…có thêm các khoản phụ cấp đặc biệt như: phụ cấp nặng lao động nặng nhọc, phụ cấp độc hại,…
Phúc lợi: Phúc lợi thường không được trả trực tiếp bằng tiền cố định mỗi tháng như lương, mà nó sẽ là khoản thù lao gián tiếp mà doanh nghiệp chi trả để hỗ trợ cuộc sống cho người lao động. Phúc lợi thường được chia làm 2 dạng chính là phúc lợi bắt buộc (doanh nghiệp phải đáp ứng theo quy định của luật như BHXH, BHYT, BH thất nghiệp,…và phúc lợi tự nguyện( tùy thuộc vào tiềm lực và chính sách của công ty)

Chế độ đãi ngộ bằng quyền lợi

Bên cạnh đãi ngộ bằng hiện vật, thì các lợi ích về đào tạo, nghỉ phép hay tinh thần cũng quan trọng không kém, nó tạo điều kiện để bạn cảm thấy vui vẻ khi làm việc và phát triển bản thân.

Đào tạo: Ở hầu hết công ty, quy mô lớn hay nhỏ thì đều có bộ phận đào tạo huấn luyện về các kiến thức chuyên môn cũng như các kỹ năng bổ trợ cho công việc và từ đó người lao động có thể nâng cao năng lực, tích luỹ kinh nghiệm để thăng tiến về sau.
Du lịch, giải trí: Ngoài chế độ nghỉ phép, nghỉ lễ do nhà nước quy định, công ty còn tổ chức thêm các hoạt động nghỉ dưỡng, du lịch,… điều này cũng sẽ tăng cường sự gắn kết trong doanh nghiệp và giúp nâng cao đời sống tinh thần của các thành viên trong công ty, giải tỏa áp lực công việc. Các dịp teambuilding , liên hoan cuối năm, gặp gỡ giao lưu,… để gắn kết giữa các phòng ban, bộ phận với nhau.
Các chế độ đãi ngộ bằng quyền lợi khác: Tại các doanh nghiệp lớn, họ còn thu hút, giữ chân nhân tài bằng các quyền lợi nâng cao hơn nữa như: tăng thêm số ngày phép, bảo hiểm bổ sung (tăng quyền lợi bảo hiểm), thẻ thành viên mua sắm, giải trí,….

Chế độ đãi ngộ phi tài chính

Giống như các chế độ đãi ngộ bằng quyền lợi bên trên, chế độ đãi ngộ phi tài chính cũng chú trọng vào phát triển nguồn nhân lực và các yếu tố tinh thần nhưng hoàn toàn không đề cập đến hiện kim hay các đãi ngộ liên quan đến tiền bạc mà chỉ giúp nâng cao sự thuận tiện giúp đỡ nhân viên hoàn thành công việc tốt hơn.

Môi trường làm việc: Trong chế độ đãi ngộ dành cho công nhân viên, việc tạo ra một môi trường làm việc tốt giúp cho công việc được vận hành suôn sẻ thì không thể thiếu các công cụ và dụng cụ phù hợp (sự quan tâm đến vấn đề máy tính, chỗ ngồi và trang thiết bị hỗ trợ,…) với một không gian làm việc bố trí hợp lý sẽ giúp nhân viên hoàn thành nhiệm vụ nhanh hơn và góp phần tạo nên hiệu suất cao hơn. Các yếu tố liên quan đến môi trường làm việc còn bao gồm: sếp, đồng nghiệp, văn hóa doanh nghiệp,….Nếu công ty có đủ nguồn lực còn có thể cung cấp các phúc lợi truyền cảm hứng như xây dựng phòng thư giãn, phòng giải trí, phòng thể dục thể thao, căn tin miễn phí để nhân viên tuỳ nghi sử dụng.
Phương tiện làm việc: Phương tiện làm việc giúp nhân viên có điều kiện làm việc tốt hơn. Công ty có thể cung cấp phương tiện đi lại như ô tô, xe máy (tùy thuộc vào cấp bậc của nhân viên), điện thoại liên lạc cho nhân viên bán hàng hay đồ bảo hộ, găng tay, khẩu trang y tế cho các lĩnh vực làm việc ngoài trời tiếp xúc hóa chất,…
Tính chất công việc: Có thể kể đến cách khơi dậy tinh thần làm việc của nhân viên, bố trí công việc phù hợp với kỹ năng và trình độ đồng thời tạo cơ hội giúp nhân viên phát triển, nâng cao bản thân. Bên cạnh đó, quy trình làm việc có hướng dẫn chi tiết với lộ trình thăng tiến rõ ràng, ghi nhận đóng góp kịp thời,… cũng là yếu tố giúp tăng động lực hoàn thành công việc.

Lưu ý khi xây dựng chế độ đãi ngộ cho nhân viên

Quy mô, tiềm lực doanh nghiệp

Việc xây dựng một chế độ đãi ngộ cho nhân viên, bên cạnh việc tối ưu hoá theo xu hướng thị trường và kỳ vọng của người lao động thì cần phải chú ý đến kinh phí mà doanh nghiệp có thể chi trả cũng như so sánh lợi ích mà nhân viên mang lại với những phúc lợi mà công ty hỗ trợ nhân viên.

Khảo sát ý kiến người lao động

Ngoài các đãi ngộ mà Nhà nước bắt buộc mà doanh nghiệp phải tuân theo thì các đãi ngộ khác trong chính sách của công ty nên dựa theo nhu cầu của người lao động. Một chế độ đãi ngộ tốt là chế độ mà người lao động cảm thấy hài lòng, có thể đáp ứng các nhu cầu để họ ổn định cuộc sống và có động lực hoàn thành công việc được giao. Hãy tham khảo ý kiến của người lao động thường xuyên thông qua các cuộc họp với quản lý trực tiếp, hộp thư góp ý, khảo sát gửi đến nhân viên,…Thậm chí, lãnh đạo nên gặp gỡ và lắng nghe những ý kiến để hiểu được mong muốn của cấp dưới là gì, tránh việc lãng phí tiền bạc, thời gian nhưng lại tạo ra một chế độ đãi ngộ không phù hợp.

Tuân thủ theo đúng luật pháp

Các vấn đề về pháp luật là vô cùng quan trọng, nó có thể đưa công ty vào một cuộc khủng hoảng bất cứ lúc nào nếu người lãnh đạo không cân nhắc các đãi ngộ theo luật định. Nếu công ty không có đủ nguồn lực, nhưng phải chắc chắn rằng chế độ đãi ngộ của mình đúng và đủ theo mức quy định của Nhà nước để tránh các sự kiện pháp lý không nên có xảy ra.

Luôn cập nhật và thay đổi theo thị trường

Hiện nay tất cả công ty đều muốn thu hút nguồn nhân lực chất lượng và triển vọng nhất về làm việc, cống hiến cho mình. Lợi thế giúp giành lấy các ứng viên sáng giá không gì khác là chế độ đãi ngộ tốt, cạnh tranh được với đối thủ. Vậy nên chế độ đãi ngộ phải liên tục được cập nhật theo xu hướng thị trường và nhu cầu thay đổi không ngừng của người lao động. Nếu trước kia, người lao động chỉ chú ý vào tiền lương thì hiện nay họ còn yêu cầu về các yếu tố tinh thần và bảo hiểm bổ trợ, đòi hỏi Bộ phận nhân sự phải điều chỉnh kịp thời tránh làm ảnh hưởng hiệu suất công việc.

Dấu hiệu cho thấy chế độ đãi ngộ không phù hợp với nhân viên?

螢幕擷取畫面 2024-02-29 200852

Tỷ lệ nghỉ phép, nghỉ việc tăng cao thể hiện người lao động cảm thấy không được hưởng các đãi ngộ xứng đáng và đang có dự định nhảy việc.
Hiệu quả công việc không đạt so với chỉ tiêu bởi nhân viên không còn động lực và tâm huyết vào công việc, không có gì khích lệ khiến họ thấy chán nản.
Nhân sự đang giảm dần, khi chế độ đãi ngộ thấp hơn các công ty khác, không thể thu hút được thêm nhân lực tham gia vào công ty.

Một số câu hỏi thường gặp về chế độ đãi ngộ?

Chế độ đãi ngộ cho nhân viên là gì?

Chế độ đãi ngộ là những đãi ngộ trong công việc mà người lao động được hưởng theo một chế độ cụ thể có đề cập rõ ràng trong chính sách của doanh nghiệp và nằm trong quy định của Luật Lao động năm 2019, bao gồm các đãi ngộ theo luật và các đãi ngộ khác của doanh nghiệp.

Chế độ đãi ngộ cho nhân viên bán hàng là gì?

Bên cạnh các đãi ngộ cơ bản giống với những người lao động khác như lương, thưởng, phụ cấp, nghỉ dưỡng, nghỉ phép, đào tạo,…đối với nhân viên bán hàng sẽ có thêm phụ cấp đi lại, gửi xe nếu phải di chuyển nhiều nơi và điện thoại, chi phí gọi điện để làm công cụ liên hệ khách hàng.

Các hình thức đãi ngộ phi tài chính gồm những gì?

Các hình thức đãi ngộ phi tài chính sẽ bao gồm: môi trường làm việc như một vị trí ngồi thuận tiện, nhà ăn, phòng tập thể dục, phương tiện làm việc như đồ bảo hộ, điện thoại và liên quan tính chất công việc như sắp xếp để nhân viên làm việc phù hợp năng lực.

Chế độ đãi ngộ cũng được xem như một tiêu chí để ứng viên xem xét đến việc ứng tuyển vào một công ty. Khi đi phỏng vấn, bạn đừng quá lo sợ hãy đặt câu hỏi và thỏa thuận tất cả những đãi ngộ ngành cho bạn, đừng để sau khi nhận việc lại thấy không hài lòng và phải nhảy việc. Đối với doanh nghiệp hãy lưu ý để xây dựng một chế độ đãi ngộ phù hợp và thu hút, giữ chân những tài năng ở lại cống hiến cho công ty.

Nguồn: https://careerviet.vn/vi/talentcommunity/nhung-khoan-dai-ngo-can-quan-tam-ben-canh-muc-luong.35A5148A.html

Solverwp- WordPress Theme and Plugin