Người lao động được hưởng những quyền lợi gì khi đóng BHXH?

Bảo hiểm xã hội bắt buộc là loại hình bảo hiểm xã hội do Nhà nước tổ chức mà người lao động và người sử dụng lao động phải tham gia (theo khoản 2 Điều 3 Luật Bảo hiểm xã hội 2014). Đây là loại hình bảo hiểm phi lợi nhuận, nhằm mục đích an sinh xã hội, giúp đảm bảo cho người lao động có được thu nhập khi không thể làm việc do ốm đau, bệnh tật, thai sản, già yếu.

Theo đó, khi người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc sẽ được hưởng những quyền lợi sau đây:

Những quyền lợi người lao động được hưởng khi tham gia đóng BHXH bắt buộc

1. Đối với người lao động là công dân Việt Nam

Quyền lợi người lao động được hưởng khi tham gia đóng BHXH bắt buộc

Theo quy định tại Điều 18 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, quyền lợi của người lao động khi tham gia BHXH bắt buộc bao gồm:

(i) Được tham gia và hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, cụ thể gốm các chế độ sau:

– Ốm đau;

– Thai sản;

– Tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;

– Hưu trí;

– Tử tuất.

(ii) Được cấp và quản lý sổ bảo hiểm xã hội.

(iii) Nhận lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội đầy đủ, kịp thời, theo một trong các hình thức chi trả sau:

– Trực tiếp từ cơ quan bảo hiểm xã hội hoặc tổ chức dịch vụ được cơ quan bảo hiểm xã hội ủy quyền;

– Thông qua tài khoản tiền gửi của người lao động mở tại ngân hàng;

– Thông qua người sử dụng lao động.

(iv) Hưởng bảo hiểm y tế trong các trường hợp sau đây:

– Đang hưởng lương hưu;

– Trong thời gian nghỉ việc hưởng trợ cấp thai sản khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi;

– Nghỉ việc hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng;

– Đang hưởng trợ cấp ốm đau đối với người lao động mắc bệnh thuộc Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày do Bộ Y tế ban hành.

(v) Được chủ động đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động nếu thuộc trường hợp người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mà sau khi thương tật, bệnh tật tái phát đã được điều trị ổn định và đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội; được thanh toán phí giám định y khoa nếu đủ điều kiện để hưởng bảo hiểm xã hội.

(vi) Ủy quyền cho người khác nhận lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội.

(vii) Định kỳ 06 tháng được người sử dụng lao động cung cấp thông tin về đóng bảo hiểm xã hội; định kỳ hằng năm được cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận về việc đóng bảo hiểm xã hội; được yêu cầu người sử dụng lao động và cơ quan bảo hiểm xã hội cung cấp thông tin về việc đóng, hưởng bảo hiểm xã hội.

(viii) Khiếu nại, tố cáo và khởi kiện về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật.

2. Đối với người lao động là công dân nước ngoài

Theo quy định tại Điều 3 Nghị định 143/2018/NĐ-CP, người lao động là công dân nước ngoài được hưởng đầy đủ quyền lợi khi tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc như người lao động là công dân Việt Nam (nêu tại Mục 1 bên trên).

Trách nhiệm của người lao động khi tham gia BHXH bắt buộc

Trách nhiệm của người lao động khi tham gia BHXH bắt buộc

Căn cứ theo quy định tại Điều 19 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 và Điều 3 Nghị định 143/2018/NĐ-CP, người lao động (bao gồm cả công dân Việt Nam và công dân nước ngoài) khi tham gia BHXH bắt buộc phải có trách nhiệm:

– Đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội 2014.

– Thực hiện quy định về việc lập hồ sơ bảo hiểm xã hội.

– Bảo quản sổ bảo hiểm xã hội.

Điều 5. Nguyên tắc bảo hiểm xã hội – Luật Bảo hiểm xã hội 2014

1. Mức hưởng bảo hiểm xã hội được tính trên cơ sở mức đóng, thời gian đóng bảo hiểm xã hội và có chia sẻ giữa những người tham gia bảo hiểm xã hội.

2. Mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được tính trên cơ sở tiền lương tháng của người lao động. Mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện được tính trên cơ sở mức thu nhập tháng do người lao động lựa chọn.

3. Người lao động vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện được hưởng chế độ hưu trí và chế độ tử tuất trên cơ sở thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội. Thời gian đóng bảo hiểm xã hội đã được tính hưởng bảo hiểm xã hội một lần thì không tính vào thời gian làm cơ sở tính hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội.

4. Quỹ bảo hiểm xã hội được quản lý tập trung, thống nhất, công khai, minh bạch; được sử dụng đúng mục đích và được hạch toán độc lập theo các quỹ thành phần, các nhóm đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định và chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định.

5. Việc thực hiện bảo hiểm xã hội phải đơn giản, dễ dàng, thuận tiện, bảo đảm kịp thời và đầy đủ quyền lợi của người tham gia bảo hiểm xã hội.

Nguồn: https://thuvienphapluat.vn/phap-luat-doanh-nghiep/cau-hoi-thuong-gap/nguoi-lao-dong-duoc-huong-nhung-quyen-loi-gi-khi-dong-bhxh-3936.html