Những ngày qua hành động nhân dân cả nước ta cùng chung tay giúp đỡ cho đồng bào bị lũ lụt tại miền Trung đã lan tỏa ra khắp mọi miền đất nước. Hành động này xứng đáng được gọi là hành vi cao đẹp vốn có của mỗi người dân nước Việt Nam ta. Cụ thể có thể nói đến Ca sĩ Thủy Tiên là “phát pháo lớn” nổ ra đầu tiên mở đầu cho chiến dịch kêu gọi đóng góp sức người sức của với quy mô lớn. Vậy các bạn có biết hành động này được khoa học gọi là Tâm lý đám đông (hay Tâm lý học đám đông, Tâm lý bầy đàn), đây chính là một nhánh của Tâm lý học xã hội nghiên cứu về tâm lý và hành vi cư xử của một người bình thường trong những hoạt động mang tính tập thể.
Nói cách khác Tâm lý đám đông có thể được hiểu là những suy nghĩ hoặc hành vi của con người thường xuyên chịu ảnh hưởng của những người khác. Người ta thường chạy theo những cái mà số đông cho là hay, đúng và sáng suốt, nhưng bản thân lại không suy nghĩ về ý nghĩa của sự việc. Đây là trạng thái tâm lý khá phổ biến ở mọi lứa tuổi trong xã hội. Như tất cả yếu tố khác thuộc về cuộc sống, xã hội, Tâm lý đám đông cũng ẩn chứa trong nó 2 khía cạnh: tích cực và tiêu cực.
Nhìn từ góc độ đánh giá con người, hiệu ứng đám đông có thể tạo ra tác dụng tích cực như động viên, khích lệ con người vươn lên, đạt được những kết quả tốt đẹp hơn. Khi sự ghi nhận, khi sự tin tưởng không chỉ đến từ một cá nhân mà từ cả tập thể, nó sẽ có sức mạnh liên kết thực sự, thôi thúc con người, thậm chí tạo ra áp lực buộc con người phải không ngừng nỗ lực để xứng đáng với sự đánh giá đó, xứng đáng được là thành viên của tập thể đó.
Ở khía cạnh tiêu cực, hiệu ứng đám đông có thể tạo ra phản ứng dây chuyền của những nội dung đánh giá phiến diện, thiếu khách quan đối với mỗi người. Một khi bị chi phối bởi sự sai lệch, “số đông” không còn đứng về phía lẽ phải, thì những nhận định, đánh giá của số đông về một cá nhân, hành động sẽ gây nên những hậu quả lớn. Nó có thể “dập tắt” mọi niềm tin, sự say mê, cố gắng, những mong muốn được cống hiến, đóng góp của con người; thậm chí nghiêm trọng hơn là “giết chết” một con người.
Vào năm 1993, các báo và tạp chí khắp nơi trên thế giới đã đăng tải bức ảnh một em bé đói khổ vùng Sudan đang gục ngã trên đường tới trạm cứu nạn, phía sau lưng là con kền kền chờ đợi sẵn có tên gọi là “Kền kền chờ đợi”. Tác giả của bức ảnh này là Kevin Carter – phóng viên chụp ảnh cho một tờ nhật báo ở Nam Phi – đã tự tử ngay sau đó khi liên tục bị dư luận cáo buộc là kẻ độc ác, vô tâm đứng chụp hình mà không ra tay cứu giúp đứa trẻ. Nhưng có ai biết được rằng, vào thời điểm ấy, những phóng viên tác nghiệp tại Sudan đều được cảnh báo rằng không nên tiếp xúc với người dân nơi đây để tránh lây lan dịch bệnh. Kevin Carter chỉ có thể làm được một việc là đuổi con kền kền đi. Và những người đang hùa theo hiệu ứng đám đông để lên án anh có biết rằng, chính nhờ bức ảnh của anh mà cả thế giới bàng hoàng nhận ra một châu Phi đang đói khát và khổ cực đến thế nào để ra tay cứu giúp. Thế nên, anh có thể đã không cứu được đứa bé ấy nhưng không thể phủ nhận rằng anh đã gián tiếp cứu được nhiều mạng người.
Từng có một câu chuyện vui như thế này: Có 1 “ông trùm” dầu mỏ lên thiên đường tham gia một hội nghị, vừa bước vào phòng hội nghị, phát hiện ra không còn chỗ trống nào nữa, “ông trùm” này liền nảy ra một kế, hét lớn một câu: “Địa ngục phát hiện ra dầu mỏ rồi!”. Và thế là tất cả các “ông trùm” dầu mỏ trên thiên đường bèn thi nhau chạy xuống địa ngục, chẳng mấy chốc trên thiên đường chỉ còn lại “ông trùm” đến cuối cùng. Lúc này “ông trùm” đến cuối cùng liền nghĩ, mọi người đã chạy đi hết rồi, có lẽ nào địa ngục phát hiện ra dầu mỏ thật chăng? Và thế là ông ta cũng vội vàng chạy về phía địa ngục.
Như vậy, nếu như không hiểu rõ bản chất, hay là đối với sự việc mà ta không tường tận, có nhiều lúc chúng ta phải gạt đi cá tính của mình để chạy theo đám đông. Chính vì vậy, trước khi hành động ta nên thu thập thông tin đầy đủ, phán đoán một cách nhạy bén để tránh những sai lầm không đáng có cũng như giảm thiểu những hành vi mù quáng, tránh làm những việc gây hậu quả không mong muốn về sau này. Như Khổng Tử đã từng nói: “Học cho rộng, hỏi cho kĩ, nghĩ cho cẩn thận, phân biệt cho rõ, làm cho hết sức.”
Nguồn: Góc đọc: “Tâm lý đám đông” nhìn theo 2 mặt Tích cực & Tiêu cực